Khái quát Trịnh_Thân_vương

Thủy tổ của Trịnh vương phủ là Tế Nhĩ Cáp Lãng, con trai thứ sáu của Thư Nhĩ Cáp Tề - em của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Vào thời điểm Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắt đầu khởi binh, Thư Nhĩ Cáp Tề là em trai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, nắm giữ kỳ phân là tương đương Nỗ Nhĩ Cáp Xích, địa vị rất cao, tục xưng [Bán quốc chi chủ]. Sau đó Nỗ Nhĩ Cáp Xích theo chế độ tập quyền, Thư Nhĩ Cáp Tề bị xem là "mối họa lớn" cần phải kiềm chế, hai con trai bị giết, bản thân Thư Nhĩ Cáp Tề cũng bị giam cầm, hai năm sau cũng qua đời. Sau khi Thư Nhĩ Cáp Tề bị giam, kỳ phân mà ông sở hữu cũng bị giảm đi nhiều, do con trai A Mẫn làm lĩnh chủ.

Sau khi Hậu Kim thành lập, lập nên [Tứ đại Bối lặc], A Mẫn nắm Tương Lam kỳ, thuộc vị thứ 2, sau duy nhất có mỗi Đại Thiện. Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời, Hoàng Thái Cực kế vị, A Mẫn do tính hung bạo kiêu căng mà mang họa, bị giam cầm cho đến chết. Thế hệ Thư Nhĩ Cáp Tề do đó truyền xuống Tế Nhĩ Cáp Lãng, vào năm Sùng Đức nguyên niên (1636) thì thụ tước Trịnh Thân vương. Vào thời Thuận Trị, Tế Nhĩ Cáp Lãng cùng Đa Nhĩ Cổn trở thành nhiếp chính. Trải qua những biến động, Tế Nhĩ Cáp Lãng đứng vững trong hàng Hoàng thúc, được Thuận Trị Đế nể trọng, đến năm Thuận Trị thứ 9 (1652) thụ Thúc Hòa Thạc Trịnh Thân vương, trở thành một trong Thiết mạo tử vương.